Bệnh ILT – Viêm thanh khí quản truyền nhiễm ở gà

mất:4 phút, 12 giây để đọc.

Bệnh ILT (viêm thanh khí quản truyền nhiễm) là một bệnh truyền nhiễm thông qua đường hô hấp ở gia cầm do một virus thuộc họ herpesvirus gây ra. Đối với gà bị mắc ILT nặng rất dễ nhận biết bởi hiện tượng gà khó thở, thường rướn cổ để thở. Bệnh không lây sang cho con người cũng như các loài động vật có vú khác.

Dịch tễ học

– May và Tittsler đã mô tả bệnh này vào năm 1925, đặt tên là viêm thanh khí quản (Laryngotrachecheitis).

– Bệnh xảy ra khắp nơi, ở các nước chăn nuôi gà công nghiệp phát triển, hầu hết bệnh đã được kiểm soát trên đàn gà đẻ do sử dụng vắc-xin phòng bệnh. Bệnh chỉ thỉnh thoảng xuất hiện ở gà thả vườn và gà cảnh. Ở Việt Nam, bệnh rất phổ biến và cũng là một vấn đề nan giải trong ngành chăn nuôi gà.

– Virus gây bệnh là DNA của virus thuộc phân nhóm alphaherpesvirinae thuộc họ Herpesviridae và được phân loại là Gallid her pesvirus.

Virus nhạy cảm với các chất hòa tan trong chất béo như ether và chloroform. Trong glycerin hoặc nước dùng bình thường, virus có thể tồn tại trong vài tháng ở 4 ° C. Cresol 3% và kiềm 1% bất hoạt virus sau 1 phút. Iốt, chất khử trùng gốc halogen cũng có thể dễ dàng tiêu diệt virus.

Gà là vật chủ dễ mắc bệnh. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng các triệu chứng đặc trưng thường thấy ở gà lớn hơn (4-18 tháng tuổi). Virus này thường sinh sản trong đường hô hấp, nhưng hiếm khi sinh sản trong máu gà.

Cách thức lây truyền bệnh

Virus xâm nhập vào cơ thể chủ yếu thông qua đường hô hấp hoặc mắt. Gà bị nhiễm ILT sẽ thải virus qua dịch tiết đường hô hấp, gà khỏe nếu hít phải sẽ bị bệnh.

Dụng cụ dùng trong chăn nuôi, rác thải nhiễm mầm bệnh sẽ trở thành nguồn lây truyền bệnh, vì vậy cần giữ gìn vệ sinh chuồng trại và xử lý rác thải khu vực chăn nuôi đúng cách để tránh mầm bệnh lây lan.

Cơ chế sinh bệnh

Sau khi xâm nhập vào cơ thể, virus nhân lên trong các tế bào biểu mô thanh quản, khí quản và kết mạc, xoang hô hấp, túi khí và phổi. Virus phá hủy các mô, đặc biệt là các mô khí quản, gây tổn thương mô nghiêm trọng và chảy máu. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng virus thường tồn tại trong khí quản hoặc dịch khí quản gà nhiễm bệnh trong vòng 6 – 8 ngày sau khi nhiễm bệnh, và kéo dài đến ngày thứ 10.

Thời kỳ virus tấn công, vi khuẩn ký sinh trong niêm mạc của đường hô hấp có thể làm trầm trọng thêm quá trình viêm. Do đó, ban đầu lớp niêm mạc bị viêm sẽ dày lên, và hiện tượng hóa casein hóa khiến gà ngày càng khó thở.

Triệu chứng

Thời gian nung bệnh: Trong tự nhiên, thời gian nung bệnh viêm thanh khí quản truyền nhiễm ở gà từ 6 – 12 ngày sau khi virus xâm nhập. Khi gây bệnh thực nghiệm qua khí quản, thời gian nung bệnh chỉ còn 2 – 4 ngày.
Virus thường gây bệnh ở thể cấp tính; đặc trưng bởi hiện tượng gà chảy nước mũi, có mủ, khó thở. Gà giảm ăn, bỏ ăn, rướn cổ há mỏ để thở.

Bệnh ở thể cấp tính diễn biến trong trong 1 – 4 ngày; tỷ lệ mắc bệnh lên đến 100% và tỷ lệ chết khoảng 50 – 70%

Cách phòng bệnh

Quản lý đàn gà tốt, thực hiện an toàn sinh học, vệ sinh chuồng trại; phương tiện vận chuyển, cũng như thức ăn…

Sử dụng vacxin medivac ILT phòng bệnh định kỳ giúp đàn gà tạo ra được miễn dịch chống lại mầm bệnh.

Nâng cao sức đề kháng cho gà bằng các loại thuốc bổ; trợ lực, vitamin giúp gà chống chịu lại với các yếu tố gây bệnh. Giảm thiểu các yếu tố stress cho gà: mật độ chuồng nuôi hợp lý với từng lứa tuổi gà; nước uống đầy đủ; sử dụng men vi sinh trộn với chất độn chuồng để giảm thải khí độc trong chuồng nuôi, ….

Cách trị bệnh

Bệnh do virus gây ra nên vẫn chưa có thuốc đặc trị; khi gà mắc bệnh nên điều trị theo hướng điều trị triệu chứng; chống vi khuẩn kế phát, tăng cường sức đề kháng cho gà.

Điều trị triệu chứng: Sử dụng các thuốc hạ sốt; long đờm giãn phế quản Bromhexin, Anagin C, Prednisolone,…

Sử dụng kháng sinh chống vi khuẩn cơ hội: Amoxicilin, Doxycilin, Tilmicosin, …

Cho gà uống nước tự do trộn kèm các loại thuốc bổ như: Vitamin tổng hợp; khoáng, acid amin thiết yếu, đặc biệt cần trộn vitamin C giúp tăng sức đề kháng cho gà.

Trích dẫn từ Mayaptrungmactech.com
N.P

, ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.