Nhiệt độ trở lạnh cùng với độ ẩm không khí giảm mạnh tạo điều kiện cho các thành phần gây bệnh cho gà phát triển. Bà con cần phải chủ động trong việc chăm sóc, bảo vệ gà để gia tăng sức đề kháng của gà trong mùa lạnh cũng như giảm thiệt hại xuống mức thấp nhất.
1. Chuồng nuôi
Chuồng nuôi cần được tu sửa, che chắn để đảm bảo kín gió. Lỗ thông gió nên đặt ở tầm vừa phải, không nên thấp quá bởi như vậy gió lùa vào gà sẽ rất dễ bị ốm. Cần phát quang bụi rậm xung quanh khu vực chuồng nuôi, khơi thông cống rãnh, tránh để ẩm ướt, hạn chế tối đa sự tồn tại của mầm bệnh.
Chuồng nuôi nên được ngăn ra làm từng ô nhỏ để thuận tiện cho việc sưởi ấm. Tránh để gà trong diện tích lớn sẽ gây khó khăn trong việc sưởi ấm, giữ ấm cho gà.
Chuồng úm gà con nên bố trí ở đầu hướng gió. Cách ly xa chuồng gà trưởng thành để tránh lây lan bệnh từ gà lớn sang gà con. Nơi nuôi gà con phải đảm bảo khô ráo, tránh mưa tạt, gió lùa, an toàn, tránh chó, mèo, chuột… gây hại gà con.
2. Sưởi ấm trong quá trình chăm sóc gà
Gia cầm non dễ bị tổn thương, đặc biệt thời tiết lạnh làm chậm hoặc không tiêu túi lòng đỏ, gây viêm, ảnh hưởng đến sức khỏe, làm giảm sức đề kháng, kế phát nhiều bệnh gây tăng tỷ lệ chết, giảm năng suất. Ở giai đoạn 0 – 6 tuần tuổi, cần phải chú ý nhất đến việc úm gà. Nhiệt độ chuồng úm đảm bảo không để gà bị lạnh sẽ dễ mắc bệnh. Trong chuồng nuôi, cần bố trí các bóng đèn có công suất khác nhau, treo bên trên để cung cấp nhiệt cho phù hợp. Chiều cao treo bóng đèn được điều chỉnh theo ngày tuổi của gà để không làm vỡ bóng. Khi nhiệt độ môi trường xuống thấp cần bổ sung thêm chất độn chuồng để giữ ấm cho gà.
Ðối với gà trong chuồng, cần sử dụng các biện pháp sưởi ấm cần thiết để tạo ấm như đốt củi, trấu, rơm rạ, nguồn nguyên liệu tận dụng có sẵn. Cần chú ý là phải tránh ngạt cho gà, khói sinh ra phải được đưa qua đường ống xả khói ra ngoài, chỉ cần tỏa nhiệt để sưởi ấm cho gà. Trong quá trình nuôi phải quan sát phản ứng của gà đối với nhiệt độ. Nếu gà tập trung gần nguồn nhiệt, chen lấn chồng đống lên nhau là chuồng nuôi không đủ nhiệt độ gia cầm bị lạnh. Cần thắp thêm bóng đèn cho gà và đốt úm trấu cho gà ấm, nhất là những hôm trời lạnh và độ ẩm cao (lạnh buốt).
3. Quản lý, chăm sóc gà
Trong tuần đầu, gà con có tốc độ sinh trưởng cao nhất nên nhu cầu dinh dưỡng cao nhưng kích thước và chức năng hệ tiêu hóa chưa hoàn chỉnh. Vì thế, thức ăn gà con phải có chất lượng cao, đủ và cân bằng axit amin giới hạn như lysin, methionin, đặc biệt các vitamin nhất là Vitamin A. Khi thời tiết quá lạnh, có thể kéo dài thời gian nuôi úm gà con. Ðặc biệt, trong giai đoạn này, người nuôi nên thường xuyên theo dõi nhiệt độ và trạng thái sức khỏe của đàn gà con.
Ðảm bảo mật độ nuôi phù hợp, cụ thể:
- Gà đẻ: 6 – 8 con/m2;
- Gà thịt: 8 – 10 con/m2.
Những ngày thời tiết lạnh cần thả gà muộn, nhốt sớm. Không thả gà ra vườn, đồi trong những ngày có rét đậm, rét hại. Chuẩn bị đầy đủ phên, bạt để che chắn, chống gió lùa đối với chuồng gà. Duy trì nhiệt độ chuồng nuôi ổn định. Chất độn chuồng phải đảm bảo luôn luôn được khô ráo, được phun sát trùng trước khi sử dụng, có thể tăng khối lượng so với những ngày bình thường.
Ðảm bảo thức ăn có đầy đủ chất dinh dưỡng, phù hợp với từng lứa tuổi của gà. Cho ăn thức ăn chất lượng tốt, không thiu mốc, không nhiễm độc tố. Cho gà uống đủ nước sạch, ấm. Vào mùa đông phải tăng lượng thức ăn, tăng dinh dưỡng. Ðồng thời, bổ sung vào nước một số chất khoáng, B-Complex, Vitamin C, B1… có tác dụng tăng khả năng hấp thu thức ăn và tăng sức đề kháng cho gà.
4. Phòng bệnh cho gà
Trong quá trình chăm sóc gà, cần hạn chế tối đa việc ra, vào khu vực chăn nuôi. Phải có hố sát trùng ở cổng ra vào khu vực chăn nuôi. Chuồng trại phải được vệ sinh, sát trùng và để trống ít nhất hai tuần trước khi thả nuôi đợt mới.
Trong quá trình nuôi, cần giữ cho chuồng luôn khô sạch, vệ sinh định kỳ. Thường xuyên sát trùng chuồng trại, khu vực và dụng cụ chăn nuôi, 2 – 3 lần/tuần. Có thể sử dụng những hóa chất khử trùng như: Chloramin, Virkon, Formol… Ðịnh kỳ phun thuốc để diệt ve, mòng, muỗi, bọ mạt… là những tác nhân truyền và gây bệnh.
Kiểm tra và xử lý để cống rảnh không đọng phân, nước thải; Máng ăn, uống sạch sẽ, không có thức ăn thừa, thiu.
Gà mới mua về phải nuôi cách ly ở khu vực riêng 2 – 3 tuần, nếu không có biểu hiện của bệnh mới cho nhập vào khu chăn nuôi. Không nên nuôi gà chung với gia súc. Không nuôi xen nhiều lứa gà trong cùng khu vực nuôi.
Thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine phòng bệnh trong quá trình chăm sóc gà. Với những ngày thời tiết quá lạnh, nên tiêm hoặc nhỏ vaccine cho gà vào thời điểm nhiệt độ cao nhất trong ngày. Nếu phát hiện gà có dấu hiệu bệnh phải tiến hành cách ly ngay và báo cho cán bộ thú y cơ sở. Tuyệt đối không ăn thịt gia cầm ốm chết. Gà đã khỏi bệnh sau khi điều trị có thể nhập lại đàn.
Nguồn: http://tapchigiacam.vn