Ngành chăn nuôi sẽ chưa có khởi sắc trong năm 2021. Đây là dự báo từ ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam.
Ngành chăn nuôi chưa đi đúng hướng
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam đã có buổi trao đổi với báo chí. Đánh giá về ngành gia cầm Việt Nam trong năm 2020 vừa qua, ông cho biết: Các nông hộ vẫn chưa đi đúng hướng.
Dẫn chứng về điều này, ông Sơn cho biết: Quy mô đàn tăng ồ ạt trong thời gian ngắn. Do dịch tả lợn Châu Phi nên nông hộ bỏ nuôi lợn. Họ chuyển sang chăn nuôi gia cầm. Trong khi đó sản phẩm gia cầm nhập khẩu cũng tăng làm cho giá gia cầm trong nước giảm khủng khiếp. Chính bởi thế nhiều bà con nông dân rơi vào cảnh thua lỗ, nợ nần. Đây là hệ quả tất yếu.
“Năm vừa rồi không chỉ ảnh hưởng của dịch COVID-19 mà trong bối cảnh dịch tả heo châu Phi diễn biến phức tạp. Rất nhiều người cho rằng thịt heo thiếu nên đẩy mạnh sản xuất thịt gia cầm. Đây là nông hộ tự phán đoán chứ Bộ không có khuyến cáo” ông Sơn cho biết.
Cũng theo ông Sơn, dù có chuyên môn nhưng trong hiệp hội, có những đơn vị tăng đàn hơn 30%. Thậm chí, có doanh nghiệp trước công suất khoảng 35 triệu con thì năm 2020 đầu tư lên 100 triệu con. Một doanh nghiệp có tới 100 triệu con gà màu thì rất khủng khiếp. Trong khi đó, số liệu thống kê của mình là 520 triệu con.
Gà thải loại Trung Quốc giá rẻ tràn vào Việt Nam
Trước ý kiến cho rằng, do gà nhập khẩu ồ ạt về Việt Nam khiến ngành chăn nuôi gặp khó, ông Sơn lại đánh giá khác. Theo ông, câu chuyện gà loại thải của Trung Quốc không phải bây giờ mới xuất hiện. Nước ta đã nhập cả chục năm nay. Trước giờ vẫn không có vấn đề gì. Thế nhưng, hiện nay, tình trạng gà nhập lậu phức tạp hơn.
Hiện chúng tôi đang tập hợp số liệu để có ý kiến về việc gà loại thải Trung Quốc. Gần đây là gà loại thải của Thái Lan đi qua Campuchia vào Việt Nam bán cực rẻ. Với giá 10.000-20.000 đồng/con gà. Đây cũng là yếu tố tác động tiêu cực tới thị trường trong nước.
Tương lai nào cho ngành chăn nuôi trong nước?
Sang năm 2021, dự báo ngành gia cầm vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Do đó ngành gia cầm cần phải xem lại quy mô, không tăng đàn nữa vì thị trường tiêu thụ chưa thể tăng đột biến.
Cạnh đó cần phải đẩy mạnh xuất khẩu. Trong hiệp hội, vừa qua Công ty CP Chăn nuôi CP đã bắt đầu mở màn xuất khẩu vài container sản phẩm gia cầm sang Hồng Kông, sắp tới là xuất sang Nhật Bản, EU.
Cùng với những phương án trên thì cần tập trung đẩy mạnh xuất khẩu con giống. Vừa rồi nếu như không bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, trong hiệp hội sẽ có vài doanh nghiệp xuất khẩu con giống sang Myanmar, Bangladesh.
Ông Nguyễn Thanh Sơn: Các nông hộ cần phân loại, chọn những phân khúc, sản phẩm cho thị trường trong nước như gà đặc sản, gà thảo mộc, gà giống chất lượng cao. Nông dân cũng cần phải liên kết với doanh nghiệp. Nông dân mà độc lập một mình thì không thể tồn tại được, không thể nuôi một vài nghìn con gà rồi đi bán dong được, thương lái họ bắt chẹt.